Các nghiệm chứng phong thủy ( Một dòng họ có nhiều người đỗ tiến sĩ do mộ tổ )
13/10/2016 | Đăng bởi Admin
Các chứng nghiệm về Phong Thuỷ hiện nay không thiếu tuy nhiên có rất ít người hiểu được sự thật của Phong Thuỷ để tin đó là một chứng nghiệm. Bản thân những người đã từng nghiên cứu Phong Thuỷ hàng nhiều chục năm vẫn mày mò, thắc mắc, trăn trở tại sao cuộc đất đẹp như thế về “hình thế” mà mãi không thấy phát? Tại sao ngôi nhà đúng vận, hướng, toạ hợp cách mà vẫn có tai hoạ. Tại sao và tại sao?
Tại vì có sai lầm trong nghiên cứu. Tại vì chưa học được chân địa lý. Tại vì áp dụng chưa linh hoạt trong cuộc sống hiện tại...
Xưa nay Thày xem địa lý chỉ xem chỗ kết huyệt thấy đẹp cho là đắc ý mà chưa biết huyệt đó là giả hay chân, long mạch lành hay dữ đó là sai lầm thứ nhất. Long mạch vận hành có chu kỳ lúc vượng lúc suy đặt vào lúc suy đó là sai lầm thứ hai. Long là nội khí, vận là ngoại khí đặt mộ làm nhà vào lúc nội ngoại khí không gặp đó là sai lầm thứ ba. Dương trạch không trên long mạch lấy ngoại khí làm trọng lấy nội khí làm phụ, âm trạch lấy nội khí làm trọng ngoại khí làm phụ nay dùng Phi Tinh cho cả hai đó là sai lầm thứ tư (dương trạch áp dụng Phi Tinh có ứng nghiệm nhất định). Mệnh chủ không hợp cưỡng cầu dùng đất phá hại long mạch đó là sai lầm thứ năm. Làm nhà đặt mộ không theo bổ long tướng chủ đó là sai lầm thứ sáu. Không hiểu Phong thuỷ làm theo “tạp thư” đó là sai lầm thứ bẩy... Sai lầm tức Phong Thuỷ sẽ bất ứng là lẽ dương nhiên đấy là còn chưa kể không sai lầm mà chưa tới thời tới chốn thì không nghiệm cũng là chuyện thường tình...Thế mới nói Phong Thuỷ bản thân nó không sai nhưng rất dễ bị hiểu sai là vậy.
Các chứng nghiệm sau dựa trên những sự kiện có thật và các thông tin xác thực bằng các thực tế kiểm nghiệm tại hiện trường. Xin đưa ra độc giả cùng thưởng lãm và chiêm nghiệm:
Chứng nghiệm 1: Một dòng họ có nhiều người đỗ Tiến sĩ do mộ tổ.
Chứng nghiệm này là một câu chuyện đã được nhắc tới rất nhiều trong làng Địa Lý Phong Thuỷ thời phong kiến Việt Nam và đến nay vẫn còn được rất nhiều người nghiên cứu Phong Thuỷ để mắt nghiên cứu. Câu chuyện thật này xoay quanh dòng họ Nguyễn ở làng Kim Đôi còn có tên là Dủi Quan (nghĩa là người dân nơi đây từng sống bằng nghề dủi tôm cá ngoài đồng và sông, đồng thời có lắm người làm quan). Nằm bên bờ Nam sông Cầu, cách tỉnh lỵ Bắc Ninh dăm cây số, làng Kim Đôi hàng thế kỷ được mệnh danh là một trong những "lò tiến sĩ"của nước ta và nổi tiếng qua câu ca lưu truyền đã ghi trong cuốn Phong thổ Kinh Bắc thời Lê:
Kim Đôi nhiều cuộc hiển vinh
Hai mươi lăm vị khoa danh rỡ ràng.
(Trong đó bẩy vị tiến sĩ họ Phạm được xác định là đất tổ phát ở Bình Giang Hải Dương)
Vua Lê Thánh Tông từng bảo thị thần rằng: "Gia thế Kim Đôi chu tử mãn triều" (Dòng họ Kim Đôi áo đỏ áo tía đầy triều). Ngày nay nơi đây đã được nhà nước công nhận là một di tích lịch sử và đền thờ 18 vị tiến sĩ là một điểm du lịch văn hoá của Bắc Ninh.
Họ Nguyễn sống ở làng sinh ra mười tám (18) Tiến Sĩ thời phong kiến từ Trần tới Lê, Nguyễn do có được ngôi mộ tổ đắc khí. Đến thời Pháp người ta đắp con đường đê sau mộ 10 mét và xẻ cống đứt cuống mạch làm hỏng ngôi mộ. Mấy người thanh niên trong dòng họ đỗ tú tài đang học hành tấn tới đột nhiên ngã bệnh chết thế là hết phát.
Long mạch của ngôi mộ xuất phát từ Tổ long tuyệt đẹp long lâu bảo điện , bác hoán phân nhánh nhiều vô số, mỗi nhánh đều có huyệt lớn đủ cả quan, quỉ, cầm, diệu… nhánh chính chạy về đột khởi Tam đảo sơn hình con rết bò (kiểu song nghênh song tống) chạy qua Bắc Ninh, Hà nội, Hưng Yên, Hải dương, Thái Bình và một phần Hải phòng. Kẹp long mạch vào giữa là hai dòng sông lớn là sông Hồng và Sông Thái Bình. Long mạch Tam Đảo sau khi vượt sông Cà Lồ thoát bớt sát khí bắt đầu phân ra nhiều chi long kết huyệt. Một mạch chính sau khi kết huyệt lớn tại Đình Bảng tiếp tục chạy về hướng đông nam đột khởi tinh phong giữa vùng đồng bằng khoáng dã là núi Lạn Kha ở xã Phật Tích, xã Hạp Lĩnh rồi chạy tiếp tới xã Vân Dương và Nam sơn nơi có ngôi chùa Hàm Long nổi tiếng trên đỉnh núi. Long mạch của núi phân chi chạy ngược lên phía bắc dọc theo ngòi Tào Khê đến sông Cầu bỗng quay ngược trở lại kết huyệt. Ngòi Tào Khê này uốn lượn mấy vòng trước khi hoà vào sông Cầu ở phía tả ngạn. Ngôi mộ nằm trên một dải đất nhỏ hẹp bên bờ sông Cầu chầu ra ngòi Tào khê cách mép nước chừng 10 mét. Xét dưới góc độ phong thuỷ mộ này đắc cách: Thuỷ bao Huyền Vũ; Nước nhiễu tứ thành; Minh đường cửu khúc nghịch chiều; Long sa bút Tốn; Hổ đới bảng Tân phát phúc viễn trường thiên về học vấn. Thật là không tận mắt chứng kiến thì khó mà tin được!