Các nghiệm chứng phong thủy ( Đất Đức Thọ - Hà Tĩnh có gì mà nhân tài sinh ra không dứt )
13/10/2016 | Đăng bởi Admin
Chữ Đức trong từ Đức Thọ có nguồn gốc từ Cửu Chân, Cửu Đức, Đức Châu, Đức quang, Đức Thọ. Huyện Đức Thọ nay đông bắc giáp huyện Hưng Nguyên ngăn cách bởi sông Lam và Huyện Nam Đàn, Đông giáp huyện Nghi xuân và Huyện Can Lộc, Nam giáp huyện Hương Khê, Tây giáp huyện Hương Sơn. Huyện có sông La chảy ở phía Bắc huyện ra sông Cả (sông Lam) ở phía thượng lưu chợ Tràng. Huyện lị trước ở Yên Hồ, nay dời về chỗ cũ ở cạnh sông La và đường xe lửa. Nay ở Linh Cảm trước có đường quốc lộ 8 chạy qua nối liền Vinh với nước Lào. Linh Cảm hồi thuộc Pháp là địa lý hành chính của Tỉnh Hà Tĩnh, nằm ở ngã ba sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu và Sông La. Ngày xưa có đền thờ Đinh Lễ, đóng quân ở đó hồi kháng chiến chống Minh. Hai xã Vân Tràng và Trung Lương có nghề rèn được huy động đúc súng kiểu 1874 cho nghĩa quân Hương Khê. Tại Linh Cảm sau khi dẹp xong cuộc khởi nghĩa Phan Đình Phùng, Nguyễn Thân cho dựng bia kỷ công, năm 1918 bị nhân dân đánh đổ. Linh Cảm bị Pháp ném bom năm 1949 phá trụi đồi thông, làm chết hàng trăm người...
Các nhân vật sinh ra tại Đức Thọ xưa có: Phan Anh, Phan Điện, Nguyễn Biểu, Đoàn Tử Quang, Hoàng xuân Hãn, Lê Huân, Lê Thước, Bùi Thúc Kiên, Bùi Dương Lịch, Hoàng Cao Khải, Phan Trọng Mưu, Trần Phú, Phan Đình Phùng, Lê Văn Quyên, Đào Tiêu, Phan Tam Tĩnh, Phan Đình Tuyển, Hoàng Trừng, Hoàng Ngọc Phách, Phạm văn Huyến, Thái can, Phạm khắc Hoè. Trong số những người nổi tiếng hiện nay, từ huyện Đức Thọ có: Giáo sư, TSKH, Viện sĩ Vật lý Đào Vọng Đức; Nữ luật sư Ngô Bá Thành; Giáo sư văn học Hoàng Xuân Nhị; Giáo sư văn học, nhà giáo nhân dân Nguyễn Kim Đính; Giáo sư- nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến; Giáo sư Tiến sĩ Khoa học Trần Vĩnh Diệu (anh hùng lao động); Giáo sư, nhà sinh học Võ Quý; Giáo sư lâm nghiệp Lê Đình Khả; Giáo sư toán học Đinh Văn Huỳnh (Đại học Ohio, Ohio, Hoa Kỳ); nhà văn hóa Hà Xuân Trường; Giáo sư- nhà Đông Nam Á học Phạm Đức Dương; Võ Hồng Phúc (Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư); Giáo sư Hà Học Trạc, (Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Chỉ đạo Biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam); Tiến sĩ Hà Học Hợi (Phó Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương), Đạo diễn sân khấu Nghệ sĩ Nhân dân Phạm Thị Thành, Nhà báo Phạm Khắc Lãm (nguyên Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam);luật sư Trịnh Hồng Dương (nguyên Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Việt Nam) Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng Lao động Trần Quỵ (Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai); Giáo sư Mai Trọng Nhuận (Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội); Giáo sư, Tiến sĩ, Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo nhân dân, Anh hùng lao động Trần Bạch Thu Hà (Nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội), nhà điêu khắc Điềm Phùng Thị; Nhà nhiếp ảnh Phan Thoan (tác giả bức ảnh O du kích nhỏ)... và rất nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa, chính khách và doanh nhân nổi tiếng khác.
Đức Thọ có đặc điểm Phong thuỷ gì mà sinh lắm nhân tài như vây? Long mạch phát nguyên từ tổ sơn Hymalaya kẹp giữa biển Đông và sông Mekông chạy qua Trung Quốc, Lào đi vào Việt Nam. Tổ sơn Long Lâu Bảo Điện, Thiếu tổ có dạng Thuỷ Tinh dẫn mạch chạy xuống phía nam bắt đầu phân nhánh. Nhánh Thứ nhất uốn lượn chạy về cuối tỉnh Thanh Hoá rồi vào Nghệ an phân nhánh kết tại Quỳnh lưu, Thanh Chương và Nam Đàn. Nhánh chính tiếp tục chạy xuống phía nam rồi phân nhánh lần thứ hai, long mạch của dãy Trường sơn phân nhánh chạy ra biển ở khu vực đèo Ngang bác hoán chạy ngược theo sông Ngàn Sâu về Tùng ảnh Đức Thọ kết huyệt. Huyệt này nằm bên Tả ngạn của sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố và sông La. Tại đây các con sông hợp lưu uốn lượn đẹp như bức tranh thuỷ mạc, nước sông trong vắt hữu tình nên phụ nữ nơi đây nổi tiếng xinh đẹp với nước da trắng và mái tóc dài. Xét trên phương diện phong thuỷ đất này có những cách hay sau:
1- Long mạch quí Long Lâu Bảo Điện bác hoán sinh chi cước song nghênh song tống
2- Long dẫn mạch ra tận mép sông Ngàn sâu nên đạt tiêu chuẩn quân bình âm dương.
3- Phía bên kia sông có một dãy núi đồn khí chầu về tác án
4- Sông Ngàn Phố uốn khúc chạy từ Hương sơn về hoà với sông Ngàn Sâu nên đắc cách nghịch thuỷ uốn khúc chiều đường.
5- La tinh đột khởi giữa dòng hãn khí
6- Nội thuỷ là sông Linh Cảm dẫn mạch nhập dòng hãn khí
7- Sông cắt ngang ôm lấy long mạch khuất khúc mấy vòng nước trong và sâu hợp với sông La chạy ra biển.
8- Cửa khẩu ngoài có La tinh chấn giữ còn có Thuỷ Khẩu Sa là núi Hồng lĩnh án ngữ.
9- Dư khí Hồng Lĩnh của long mạch còn kết bàng huyệt ở làng Tiên Điền chứng tỏ cho sự xung mãn của long mạch. Hòn Ngư ngoài của biển là chốt chặt cuối cùng minh chứng cho một quí long dù chỉ là hình tượng
Đây là một cuộc đất rất hoàn mỹ về mặt Phong Thuỷ dù chỉ là một “tiểu tụ” trên dãy Trường Sơn hùng vĩ. Một chứng nghiệm Phong Thuỷ không thể bàn cãi về cuộc đất nơi sơn cốc.